Khám phá Ebla

Các phần khai quật (cổng Damascus)
Một bảng lưu trữ

Năm 1964, các nhà khảo cổ Ý từ Đại học La Sapienza ở Roma dưới sự chỉ đạo của Paolo Matthiae bắt đầu khai quật Tell Mardikh.[202] Năm 1968, họ phục hồi một bức tượng nữ thần Ishtar, trên có tên Ibbit-Lim là vua Ebla.[203] Điều này giúp nhận diện thành phố, vốn được nhắc đến từ lâu qua các văn tự Lagash và Akkad.[204] Trong thập kỷ tiếp theo, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một cung điện (cung điện G) có niên đại khoảng năm 2500 - 2000 TCN.[175] Trong cung điện, tìm thấy một vật điêu khắc nhỏ bằng vật liệu quý là đá đen và vàng.[175] Các đồ tạo tác khác gồm đồ nội thất bằng gỗ khảm xà cừ và các tượng ghép từ đá màu.[177] Một chiếc bát bằng bạc mang tên vua Immeya được tìm thấy từ "Mộ chúa dê", cùng với đồ trang sức Ai Cập và một chiếc chùy nghi lễ Ai Cập do pharaoh Hotepibre tặng.[99]

Khoảng 17.000 mảnh vỡ các bảng chữ hình nêm đã được phát hiện. Khi ghép lại thu được 2.500 bảng hoàn chỉnh tạo nên một kho lưu trữ lớn nhất từ thiên niên kỷ 3 TCN.[205] Khoảng 80% các bảng có chữ viết Sumer phổ biến kết hợp giữa các ngữ tố và ký hiệu phiên âm.[206] Các bảng còn lại sử dụng chữ hình nêm Sumer để diễn âm một ngôn ngữ Semit cổ trước đó chưa từng được biết đến gọi là "tiếng Ebla".[207] Một số bảng liệt kê các từ vựng song ngữ Sumer-Ebla giúp diễn dịch được nội dung.[198] Các bảng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị ở miền bắc Lưỡng Hà khoảng giữa thiên niên kỷ 3 TCN.[208] Chúng giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về đời sống cư dân thường ngày,[209] thuế má, từ điển Sumer-Ebla,[198] quan hệ ngoại giao với các nhà cầm quyền xung quanh,[210] lời khuyên dạy, khúc ca và thần thoại.[211]

Thư viện

Các bảng bốn nghìn năm tuổi tạo thành một trong những kho lưu trữ và thư viện lâu đời nhất từng được phát hiện; trong đó có bằng chứng cho thấy thư tịch được sắp xếp và thậm chí phân loại.[212] Những bảng lớn hơn nguyên thủy được đặt trên kệ nhưng bị đổ xuống sàn khi cung điện bị phá hủy.[213] Vị trí các bảng khi khai quật cho phép xác định lại lúc ban đầu chúng ở đâu trên kệ. Từ đó dẫn đến phát hiện các bảng được sắp xếp trên kệ theo chủ đề.[209]

Các cuộc khai quật Sumer trước đó không ghi nhận được điều này. Cách thức sắp xếp phức tạp dựa trên nội dung văn bản chứng tỏ về hoạt động lưu trữ và thư viện cổ xưa, có thể lâu đời hơn nhiều so với chính thư viện Ebla.[212] Phần lớn các bảng lưu giữ nội dung tự điển là bằng chứng cho thấy chúng phục vụ cho một nhu cầu thư viện nhất định chứ không phải đơn thuần cho vua chúa và bộ máy hành chính.[212] Các bảng cho thấy bằng chứng về quá trình phiên âm thuở sơ khai sang ngoại ngữ và chữ viết, phân loại và biên mục dễ tiếp cận hơn, cùng sự sắp xếp theo kích cỡ, hình thức và nội dung.[212] Do đó, các bảng Ebla thêm cho giới học giả những hiểu biết mới về nguồn gốc hoạt động thư viện đã tồn tại 4.500 năm trước.[212]

Di sản

Vương quốc Ebla đệ nhất là một ví dụ về các quốc gia tập quyền có từ sớm ở Syria[214] và được các học giả coi là một trong những đế chế sớm nhất.[36][215] Các học giả như Samuel Finer[139]Karl Moore coi đây là thế lực hùng mạnh đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.[216] Việc phát hiện Ebla làm thay đổi quan điểm trước đây coi lịch sử Syria chỉ như một cầu nối giữa Lưỡng Hà và Ai Cập mà chứng minh rằng bản thân khu vực này đã là một trung tâm nền văn minh đúng nghĩa.[217]